Tăng cường sự gắn kết
Cách tốt nhất để thúc đẩy sự phát triển cảm xúc của trẻ là giúp chúng cảm thấy mình được gắn kết với cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình, bạn bè, hàng xóm, thày cô giáo, thậm chí cả vật nuôi. Tiến sĩ tâm lý trẻ em Edward Hallowell – tác giả cuốn The Childhood Roots of Adult Happiness (tạm dịch: Thời thơ ấu là nguồn cội hạnh phúc khi trưởng thành) đã nói rằng “Một tuổi thơ có gắn kết bền chặt chính là chìa khóa của hạnh phúc”.
Chúng ta có thể củng cố và cải thiện sự gắn kiết giữa cha mẹ và con cái, đơn giản theo cách mà tiến sĩ Hallowell gọi là tình yêu mãnh liệt sẽ không bao giờ biến mất. “Nghe có vẻ như khó tin nhưng nếu một đứa trẻ được ai đó yêu thương vô điều kiện, thì đó chính là liều thuốc tốt nhất chữa lành mọi khổ đau”. Sẽ là chưa đủ nếu trẻ chỉ có được tình yêu của cha mẹ, điều quan trọng là trẻ phải cảm nhận được nó. Hãy ở cạnh con nhiều nhất có thể, đồng cảm khi chúng khóc, đọc cho chúng nghe, cùng nhau ăn uống, cười đùa và ôm ấp.
Đừng cố gắng làm con vui
Nghe có vẻ như phản khoa học, nhưng điều tốt nhất bạn có thể làm cho hạnh phúc lâu dài của con bạn là đừng làm chúng vui vẻ trong chốc lát. “Nếu chúng ta đặt trẻ vào một quả bong bóng và cung cấp cho chúng mọi thứ mà chúng muốn, đó sẽ là tương lai mà chúng mong đợi, nhưng cuộc sống thực tế không như thế”.
Để tránh rơi vào cái bẫy nuông chiều con thái quá, hãy nhận thức rằng bạn không phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của con mình. Những bậc phụ huynh luôn cho rằng mình phải có trách nhiệm với cảm xúc của con thường thấy rất bất an khi để trẻ nếm trải cảm giác tức giận, buồn bã hay thất vọng. Họ sẽ lập tức vào cuộc để cung cấp những gì có thể mang lại nụ cười cho con hoặc có thể xử lý hết những điều làm trẻ phiền muộn. Thật không may, những trẻ không bao giờ chịu học cách đối phó với cảm xúc tiêu cực thì lớn lên sẽ có nguy cơ bị nghiền nát bởi chính những cảm xúc đó.
Một khi bạn chấp nhận rằng bạn không thể lúc nào cũng làm con vui (hoặc bất cứ cảm xúc nào khác), bạn sẽ bớt đi xu hướng cố gắng “điều chỉnh” cảm xúc của con – và lùi xa một bước để con tự phát triển khả năng đối mặt và vượt qua những cảm xúc mà chúng cần phải có sau những thất bại không thể tránh khỏi trong cuộc sống.
Nuôi dưỡng hạnh phúc của bạn
Bạn không thể kiểm soát hạnh phúc của trẻ mà thay vào đó hãy có trách nhiệm với hạnh phúc chính mình. Và bởi vì trẻ hấp thụ tất cả mọi thứ từ cha mẹ nên cảm xúc của chúng ta có tác động rất lớn. Cha mẹ hạnh phúc thì sẽ tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc, những đứa con của các phụ huynh bi quan có xu hướng trầm cảm gấp 2 lần mức trung bình. Do đó, điều tốt nhất bạn có thể làm vì sự phát triển tình cảm lành mạnh của con chính là quan tâm đến tình cảm của chính mình: hãy dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, và có lẽ quan trọng nhất, hãy sống lãng mạn. Nuôi dưỡng mối quan hệ bền chặt của bạn với bạn đời. “Nếu cha mẹ có mối quan hệ tốt, khăng khít thì hạnh phúc cũng sẽ tự tìm đến với đứa con”.
Khen ngợi đúng nội dung
Không có gì ngạc nhiên khi các nghiên cứu cho thấy sự liên kết giữa tự trọng và hạnh phúc. Trẻ sẽ không thể thiếu một trong hai thứ. Con bạn viết nguệch ngoạc, và bạn đã vội tuyên bố đó là một Picasso, con ghi một bàn thắng và lập tức tương lai sẽ trở thành một Beckham thứ hai. Mới 1+1=2 mà bạn đã xem như chúng sắp gia nhập Mensa đến nơi. Những kiểu khen ngợi thành tích như thế này có thể phản tác dụng.
“Thật nguy hiểm, nếu đó là lời khen ngợi duy nhất mà trẻ được nghe, trẻ nghĩ sẽ phải chiến thắng để có được sự đồng tình của bạn. Trẻ sợ rằng nếu không thành công, chúng sẽ không được bố mẹ yêu thương nữa”. Khen ngợi những đặc điểm cụ thể như sự thông minh, xinh đẹp, khỏe mạnh – có thể làm giảm tự tin của trẻ sau này, nếu chúng lớn lên với niềm tin rằng chúng được đánh giá cao vì điều gì đó nằm ngoài sự kiểm soát của chúng.
“Nếu bạn khen con mình vì chúng đẹp chẳng hạn, thì chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng lớn lên và già đi không còn xinh đẹp nữa?” Các nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ hay được khen vì xinh đẹp thường trở nên nhút nhát về trí tuệ, luôn lo sợ rằng chúng sẽ bị người khác đánh giá là kém thông minh nếu chúng làm gì đó thất bại.
Tuy nhiên, cách giải quyết không phải là chúng ta sẽ không khen trẻ nữa mà sẽ khen theo một cách khác, Murray nói, “Hãy khen sự nỗ lực hơn là khen kết quả”. “Khen ngợi sự sáng tạo, chăm chỉ làm việc, sự kiên trì, quá trình hơn là thành tựu đạt được.”
Mục tiêu của chúng ta là nuôi dạy một đứa trẻ “có tư duy”, gieo niềm tin rằng con người thành công là nhờ làm việc chăm chỉ hơn là tài năng bẩm sinh. Những đứa trẻ được gắn mác là có tài năng bẩm sinh sẽ luôn cảm thấy cần phải chứng minh bản thân hết lần này đến lần khác. Các nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ có tư duy tốt thường làm tốt hơn và thích thú tham gia vào nhiều hoạt động hơn vì chúng không quan tâm người khác sẽ nghĩ gì về mình nếu có thất bại”. Bạn có thể thay đổi tư duy của trẻ bằng một lời khen đơn giản kiểu như: “Con đã làm rất tốt việc X, chắc hẳn con đã rất cố gắng rồi”. Vì vậy, không phải là không với khen ngợi trẻ, mà hãy tập trung vào những thứ mà con bạn có khả năng làm được.
Cho phép thành công và thất bại
Tất nhiên, nếu bạn thực sự muốn củng cố lòng tự trọng của con mình, đừng tập trung quá nhiều vào những lời khen ngợi mà hãy cho trẻ nhiều cơ hội hơn để học những kỹ năng mới. Tự làm chủ là cách để xây dựng lòng tự trọng thực sự. Khi nhắc đến những đứa trẻ dưới 4 tuổi, dường như tất cả mọi thứ chúng làm chỉ là một cơ hội được thuần thục - vì mọi thứ đều mới với chúng: học cách bò, đi, ăn, mặc, sử dụng nhà vệ sinh, đạp xe ba bánh … Cái khó của cha mẹ là đứng ngoài và để trẻ tự làm những gì chúng có thể. “Sai lầm lớn nhất mà cha mẹ hay mắc phải đó là làm quá nhiều cho con của họ.”
Quả là rất khó khi nhìn các con của mình vật lộn với khó khăn, nhưng chúng sẽ không bao giờ biết cảm giác hồi hộp chiến thắng nếu không trải qua thất bại. Một số kỹ năng có thể có được trong lần thử đầu tiên nhưng cũng có rất nhiều kỹ năng trẻ cần phải rèn luyện mới có thể thuần thục. Và thông qua các trải nghiệm lặp đi lặp lại nhiều lần, trẻ sẽ hình thành thái độ ‘mình có thể làm được’ - giúp chúng tiếp cận các thử thách tương lai với niềm say mê và lạc quan – đây chính là trung tâm của một cuộc sống hạnh phúc.
Cho trẻ những trách nhiệm thực sự
Hạnh phúc phụ thuộc phần lớn vào cảm giác những gì chúng ta làm và được đánh giá cao bởi người khác. Nếu không có cảm giác đó, chúng ta sợ rằng chúng ta sẽ bị loại khỏi nhóm. Và nghiên cứu cho thấy rằng thứ mà con người sợ hãi hơn bất cứ điều gì đó là bị loại bỏ. Nói cách khác, con người có nhu cầu bẩm sinh là phải được người khác cần đến mình. Vì vậy nếu bạn càng cho trẻ thấy chúng có đóng góp đặc biệt thế nào đến gia đình, từ những năm đầu đời, thì chúng càng có ý thức về giá trị của bản thân và hạnh phúc cuối cùng của mình. Trẻ lên 3 có thể chơi trò đóng vai gia đình, cho dù đó là cho mèo ăn hoặc trải khăn bàn ăn. Nếu có thể, phân cho trẻ những vai là thế mạnh của con. Thí dụ, nếu con bạn thích sắp xếp đồ vật, hãy giao cho chúng việc xếp thìa, dĩa. Nếu chúng thích chăm sóc thì có thể giao cho việc chơi với em trong lúc bạn chuẩn bị bữa tối. Như vậy, việc bạn thừa nhận và đánh giá đóng góp của con đối với gia đình sẽ nâng cao ý thức của trẻ về sự gắn kết và tự tin – hai điều kiện tiên quyết cho hạnh phúc lâu dài của trẻ.
Thực hành thói quen tỏ lòng biết ơn
Nghiên cứu tại Đại học California, đã chỉ ra rằng những người lưu giữ các ấn phẩm tạp chí hàng ngày hoặc hàng tuần thường cảm thấy lạc quan hơn, tiến bộ hơn với các mục tiêu và cảm thấy tốt hơn về cuộc sống của họ. Đối với một đứa trẻ, việc giữ một tạp chí có thể là điều không thực tế. Nhưng một cách để nuôi dưỡng lòng biết ơn ở trẻ là yêu cầu mỗi thành viên trong gia đình dành thời gian hàng ngày - trước hoặc trong bữa ăn - để gọi tên một điều gì đó mà mình biết ơn. Điều quan trọng là làm cho nó trở thành một thói quen hàng ngày. Đây là một thói quen giúp thúc đẩy tất cả các loại cảm xúc tích cực và nó thực sự có thể dẫn đến hạnh phúc lâu dài.